(QT Xuân) - Giữa bộn bề công việc dịp cuối năm 2018 và những dự cảm tốt lành cho năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính vẫn nêu quyết tâm xây dựng “cánh đồng điện gió” ở miền Tây Quảng Trị. Khát vọng ấy được hun đúc từ tiềm năng đã khảo nghiệm, từ ý chí biến khó khăn thành lợi thế nhằm tạo ra sức bật mới, nguồn thu mới cho ngân sách của tỉnh.
 |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính kiểm tra Phòng vận hành Nhà máy điện gió Hướng Linh 2
|
Tròn 25 năm làm báo, tôi đã đi qua dặm dài đất nước, gắn dấu chân trên từng thửa đất thân thuộc quê nhà từ Khe Sanh về Cửa Việt hay Ô Lâu ra Nhị Hồ. Vậy nhưng bình nguyên Hướng Linh nơi có đỉnh Voi Mẹp, có sông Rào Quán những ngày đầu tôi đặt chân đến vẫn in nguyên cảm xúc tận bây giờ. Đó là lần tôi cùng đoàn công tác của tỉnh vào thôn Hoong Cóc, xã Hướng Linh (Hướng Hóa) khảo sát địa bàn xây khu tái định cư cho công trình thủy điện Rào Quán. Hồi đó vào Hoong Cóc phải qua cây cầu treo chông chênh giữa hai sườn núi. Chỉ duy nhất ông Nguyễn Minh Kỳ lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh đủ can đảm bước qua còn cả đoàn phải “lê lết” cầm từng đoạn dây văng. Hoong Cóc ngày đó đã được mệnh danh là vùng “cửa gió” bởi sức mạnh của từng trận gió ràn rạt thổi giữa đại ngàn. Hoong Cóc mênh mông những đồng cỏ na ná Cánh đồng Chum nước Triệu Voi, những sườn đồi thoai thoải và duy nhất một lối mòn dẫn vào thôn nay trở thành trung tâm điều hành của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2. Theo tôi nghĩ, việc tìm một nơi tái định cư ở địa bàn Hướng Hóa thì thiếu gì nơi mà phải lặn lội vào Hoong Cóc vừa xa xôi cách trở, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt. Nhất là sau khi khu tái định cư hình thành, người dân gặp khó khăn trong sản xuất bởi cây trồng kém phát triển do sức tàn phá của gió, sự cằn cỗi của đất đai…Nhưng bây giờ tôi lại suy luận phải chăng đó là những linh cảm của người đi trước thể hiện qua sự tìm tòi, khám phá những tiềm năng từ thiên nhiên để bây giờ Hướng Linh trở thành trung tâm điện gió của tỉnh. Và sẽ không bao lâu nữa, khi ý tưởng “cánh đồng điện gió” ở miền Tây Quảng Trị thành hiện thực mới thấy hết giá trị của vùng đất Hoong Cóc mà những người như ông Nguyễn Minh Kỳ hồi ấy đã chọn lựa và dựng xây.
Bây giờ nếu muốn xây bằng được “cánh đồng điện gió” thì phải khẳng định sự trù phú, bội thu của những “mẫu điện gió” đầu tiên. Không phải tìm đâu xa, tôi đã được ông Nguyễn Liêm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu cho biết: “Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 là dự án đầu tiên ở khu vực Bắc Trung bộ được triển khai nơi địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng với 15 tuabin, mỗi tuabin có công suất 2MW có chiều cao 80 m, đường kính cánh quạt 100 m. Sau hơn một năm kể từ khi tuabin đầu tiên chạy thử nghiệm và chính thức đóng điện vào trạm 110kV để hòa lưới quốc gia, đến nay Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã cung cấp sản lượng điện bình quân khoảng 122 triệu KWh/năm; doanh thu hằng năm ước đạt 200 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 20 tỉ đồng. Nhà máy có 22 cán bộ, chuyên gia và nhân viên làm tốt các khâu vận hành, bảo trì nhà máy…Hiện nay, tổng công ty đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng, công suất 30 MW. Ông Liêm hài hước nói với chúng tôi rằng: “Trong khi địa phương đau đầu tìm một loại cây trồng phù hợp với thời tiết khí hậu ở Hoong Cóc thì chúng tôi lại trồng cây “cột điện”; thông thường doanh nghiệp đầu tư tìm nơi thuận lợi về giao thông, khí hậu, riêng chúng tôi lại tìm về nơi “cửa gió” khắc nghiệt để hái ra tiền”. Sự ví von, liên tưởng đầy ý vị ấy là minh chứng sinh động về hiệu quả đầu tư mà điện gió Hướng Linh chỉ là “mẫu điện gió” mở hàng cho những “sào”, những “mẫu” điện gió khác đã và đang thâm canh trên “cánh đồng điện gió” của tỉnh.
 |
Tuabin quạt điện gió Hướng Linh
|
Giám đốc Sở Công thương Lê Quang Vĩnh cho biết, theo kết quả khảo sát riêng điện gió có khoảng 2.901,45 MW “phủ sóng” ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và huyện gò đồi Cam Lộ. Ngoài Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 công suất 30 MW đã hoàn thành đưa vào vận hành năm 2017, hiện nay có 6 dự án với tổng công suất 188 MW gồm Hướng Linh 1 công suất 30MW dự kiến phát điện vào quý 2/2019, các dự án Hướng Linh 3 (30MW), Hướng Phùng 1 (30MW), Hướng Phùng 2 (20MW), Hướng Hiệp 1 (30MW), Hướng Tân (48MW) dự kiến phát điện vào năm 2021. Bên cạnh đó còn có 32 dự án với tổng công suất 1.733,5 MW đang trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch. Địa bàn dự án được mở rộng đến các xã Húc, Xi, Thuận, A Dơi, Hướng Phùng, Hướng Lộc, Hướng Sơn, Tân Liên, Tân Lập, Tân Thành (Hướng Hóa), Hướng Hiệp (Đakrông) và Cam Nghĩa (Cam Lộ). Để có được kết quả về tiềm năng điện gió, ngành đã đề xuất tỉnh cho phép các đơn vị khảo sát đo gió trên phạm vi 31.800 ha và xác định đất sử dụng có thời hạn cho toàn dự án là 870 ha, đất sử dụng tạm thời là 1.015 ha.
Rõ ràng ý tưởng và quyết tâm xây “cánh đồng điện gió” của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên bức tranh về “cánh đồng điện gió” không chỉ được vẽ ra trong nhận thức mà cần phải tô điểm những gam màu chủ đạo, bằng những nét chi tiết và cụ thể như hiện thực cuộc sống của người dân, khai thác tiềm năng du lịch, quy hoạch lại đất rừng sản xuất…Đó là một bức tranh toàn cảnh hay nói chính xác hơn là một cánh đồng đa lĩnh vực mà điện gió chính là hạt nhân phát triển. Trước hết muốn khai thác tiềm năng điện gió Hướng Linh cần phải ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Với Hoong Cóc hiện nay được kế thừa từ những quy hoạch ban đầu của khu tái định cư, từ hạ tầng dân sinh được xây dựng khá quy mô và hợp lý. Điều quan trọng là tập hợp lao động, tổ chức sản xuất tăng thu nhập cho người dân đang sinh sống trên “cánh đồng điện gió” dựa vào khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng. Xây dựng “cánh đồng điện gió” phải tích hợp bằng được các quy hoạch chi tiết về tài nguyên đất đai, về quy hoạch rừng để tránh xảy ra xung đột trong quá trình phát triển. Trước là quy hoạch về tài nguyên đất đai nơi dự kiến xây dựng các dự án điện gió. Mặc dù điện gió không sử dụng hết hay tác động tiêu cực vào quỹ đất sản xuất nhưng buộc phải tuân thủ đúng theo quy hoạch quỹ đất dành cho điện gió. Điện gió xây dựng tất yếu phải tác động vào tự nhiên nên cần phải phân định rừng, tránh tác động vào rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ xung yếu tại địa bàn miền núi. Có như vậy thì việc thâm canh trên “cánh đồng điện gió” sẽ tích hợp được nhiều lợi ích, không chỉ mang lợi nhuận kinh tế cho nhà đầu tư mà điều quan trọng là tăng thu ngân sách của tỉnh, góp phần ổn định sản xuất và đời sống cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, hiện nay cuộc sống của người dân Hướng Linh đã có nhiều đổi thay kể từ khi dự án điện gió đi vào hoạt động. Diện mạo thôn bản đã khởi sắc, thu nhập người dân được cải thiện, nhiều hạng mục về hạ tầng dân sinh được đầu tư xây dựng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Từ một vùng đất xa xôi hoang vu nay trở thành một địa bàn đông đúc, sầm uất. Điện gió đã làm đổi thay nhanh chóng vùng đất Hướng Linh.
Buổi sáng, khi sương mù còn giăng mắc trên những cánh rừng vùng “cửa gió”, dọc đường vào Hoong Cóc hai bên là những cánh quạt điện chậm rãi, miệt mài theo vòng quay, biến gió thành điện tải về trên những đường dây vắt ngang sườn núi. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chỉ tay về phía những quả đồi khẳng định dứt khoát, theo quy hoạch rồi đây sẽ có thêm nhiều tuabin gió cắm xuống; đất đai này sẽ sinh lợi, sẽ hái ra tiền. Dưới điện gió là du lịch sinh thái cộng đồng, là mô hình nông thôn mới; bộ mặt của Hướng Linh và miền núi Hướng Hóa sẽ đổi thay nhờ “cánh đồng điện gió”. Và tôi tin những dự cảm tốt lành ấy sẽ trở thành hiện thực khi âm vang mùa xuân đang náo nức tràn về.
Dẫn nguồn: http://baoquangtri.vn/Kinh-t%E1%BA%BF/modid/419/ItemID/136750
|